Đau thắt lưng là bệnh cấp tính xảy ra đột ngột hoặc cũng có thể là tình trạng mãn tính lâu năm. Nếu không điều trị kịp thời, bệnh sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ cơ xương khớp và cột sống. Vậy đau thắt lưng là bệnh gì?
Danh mục bài viết
Triệu chứng thường diễn ra thế nào?
Đau thắt lưng hay hội chứng đau cột sống thắt lưng mô tả những cơn đau ở vị trí ⅓ dưới lưng nằm giữa 2 gai mào chậu, ở chính giữa cột sống thắt lưng hay ở 2 bên cột sống thắt lưng với biểu hiện như sau:
- Mọi cử động hắt hơi, ho hoặc thay đổi tư thế đều dẫn đến cơn đau.
- Mức độ đau tăng dần khi vận động nhiều hoặc khi thay đổi thời tiết.
- Cơn đau có thể dữ dội trong thời gian ngắn hoặc kéo dài vài ngày, vài tuần.
- Ngoài cảm giác đau, người bệnh còn có triệu chứng nhức buốt vùng thắt lưng.
- Viêm hoặc sưng ở lưng, sốt.
- Đau tê lan xuống hông, xuống chân.
- Tiểu tiện không tự chủ.

Những ai thường bị đau ở vùng lưng?
Tình trạng bệnh diễn ra ở mọi lứa tuổi, ai cũng có thể gặp phải triệu chứng này, nhưng chủ yếu liên quan các yếu tố nguy cơ sau:
Người trong độ tuổi 30-50 bị thoái hóa cột sống lưng
Những người trong độ tuổi này thường xuyên bị đau cột sống thắt lưng. Tuổi càng lớn thì mức độ đau càng tăng do quá trình lão hóa tự nhiên của cơ thể. Theo thời gian, các đĩa đệm bắt đầu suy giảm tính linh hoạt và mất khả năng chịu áp lực từ các đốt sống. Đồng thời tình trạng loãng xương làm cho xương khớp dễ bị bào mòn, độ đàn hồi và sức mạnh cơ bắp bị suy giảm.
Những người làm công việc nặng nhọc gây tác động lên vùng lưng
Do họ thường xuyên nâng, đẩy hoặc kéo sai tư thế, quá sức; dẫn đến co thắt cơ, chấn thương cột sống (đặc biệt những tư thế không đúng như cúi lưng khi xách nặng làm tăng thêm sức nặng không cần thiết lên cột sống), dẫn đến cơn đau ở vùng thắt lưng.
Nhân viên văn phòng làm việc nhiều dẫn đến đau thắt lưng
Ngồi sai tư thế hoặc ngồi quá lâu trong thời gian dài gây áp lực đè lên các đốt sống, dễ dẫn đến đau lưng mãn tính.
Những người có thành viên trong gia đình bị đau lưng mãn tính
(Đặc biệt mắc bệnh viêm cột sống dính khớp – hiện tượng viêm ở mối nối giữa các đốt của cột sống lưng hoặc giữa cột sống và xương chậu) cũng sẽ có nguy cơ gặp triệu chứng đau cao hơn những người bình thường.
Những người không thường xuyên tập thể dục
Khi cơ thể không được vận động thường xuyên khiến cơ lưng, cơ bụng trở nên yếu hơn và không nâng đỡ cột sống được tốt cũng có nguy cơ bị bệnh
Người béo phì, tăng cân không kiểm soát gây đau mỏi nhức lưng
Khiến lượng mỡ thừa ở vùng bụng của họ tăng nhanh kéo khung xương chậu về phía trước. Điều này khiến các cơ lưng bị siết chặt, gây căng cơ và xuất hiện triệu chứng đau ở vùng thắt lưng.
Phụ nữ mang thai đau rất nguy hiểm tới thai nhi
Phụ nữ mang thai thường bị đau ở gần mông do khung xương chậu có sự thay đổi để thích nghi với trọng lượng và kích thước của thai nhi.
Trẻ nhỏ có thói quen đeo balo nặng
Khi chịu tác động một lực mạnh lên các đốt sống và đĩa đệm, đồng thời gây mỏi cơ, dẫn đến bệnh lý này từ khi còn bé đến lớn.

Nguyên nhân gây bệnh đau mỏi thắt lưng
Nhóm bệnh lý cột sống của đau thắt lưng
Thoái hóa cột sống lưng
Càng lớn tuổi thì hệ xương khớp của con người sẽ bị thoái hóa dần, đặc biệt là ở vị trí sụn khớp và đĩa đệm gây nên các cơn đau âm ỉ, liên tục. Hơn nữa, mỗi khi cúi người, xoay mình hay bê vác đồ đạc thì cơn đau sẽ tăng lên.
Thoát vị đĩa đệm
Cấu trúc cột sống bao gồm các đốt sống và đĩa đệm xen kẽ nhau. Nhiệm vụ của đĩa đệm là giảm sốc và duy trì sự linh hoạt của cột sống. Khi bị thoát vị đĩa đệm thắt lưng, phần nhân nhầy của đĩa đệm bị thoát ra, gây nên cảm giác đau. Đau do thoát vị đĩa đệm có thể tăng nhiều hơn nếu người bệnh ho hoặc hắt hơi mạnh.
Gai cột sống
Gai xương trên các đốt sống có thể cọ sát vào nhau hoặc các phần mô mềm xung quanh gây nên cảm giác đau đớn.
Hẹp ống sống thắt lưng
Dây chằng vàng ở cột sống thắt lưng bị thoái hóa sẽ dày lên, làm hẹp ống sống và chèn ép các rễ thần kinh. Dây thần kinh bị chèn ép không chỉ gây nên cơn đau mà còn có thể đau lan xuống chân.
Đau thần kinh tọa
Dây thần kinh tọa chạy từ tủy sống dọc xuống mông và mặt sau của chân, khi phần dây thần kinh tọa này bị chèn ép sẽ gây nên cơn đau thắt lưng cùng với triệu chứng tê bì hoặc nóng rát dọc từ mông xuống bàn chân.
Nhóm bệnh lý khác liên quan đến cơ thể ngoài vùng thắt lưng
Bong gân
Bong gân là sự tổn thương ở các dây chằng do tác động mạnh nhưng không gây trật khớp hay gãy xương. Khi bị bong gân, dây chằng có thể bị căng hoặc rách dẫn tới các cơn đau thắt ở lưng.
Sỏi thận
Trong một số trường hợp, triệu chứng đau lưng nhiều khả năng là do bệnh sỏi thận gây nên. Nếu viên sỏi lớn và mắc kẹt ở thận phải, bạn sẽ bị đau thắt lưng bên phải. Tương tự, sỏi thận trái có thể gây nhói và đau thắt lưng bên trái.
Viêm tuyến tiền liệt
Đây là tình trạng sưng tuyến tiền liệt, gây ra các cơn đau thắt lưng ở nam giới.
Yếu tố nguy cơ dẫn tới đau ở vùng lưng của cơ thể
Chấn thương
Những chấn thương như tai nạn thể thao, tai nạn xe hơi hoặc ngã có thể làm tổn thương gân, dây chằng, cơ, các đốt sống… dẫn đến đau thắt lưng.
Sai tư thế
Đứng khom lưng, ngồi xổm, nằm cong,… đều có thể gây nên đau thắt lưng âm ỉ và kéo dài.
Bệnh đau thắt lưng có nguy hiểm không?
Trên thực tế có nhiều bệnh nhân bị đau lưng dưới chủ quan cho rằng triệu chứng sẽ tự khỏi, nên thường không điều trị ngay. Đối với bệnh lưng cấp tính mà không điều trị dứt điểm thì có thể chuyển sang mãn tính. Cơn đau liên tục, kéo dài với mức độ ngày càng tăng có thể dẫn đến nhiều biến chứng.
Bệnh ở thể nhẹ thì có thể ảnh hưởng tới sinh hoạt thông thường như đứng lên, ngồi xuống,… Thế nhưng, nếu nặng hơn do thoát vị đĩa đệm gây ra thì có thể bị đau dây thần kinh tọa, lâu dài gây teo cơ đùi, cẳng chân, làm hạn chế khả năng vận động hoặc bị liệt.
Đau lưng dưới khi nào cần gặp bác sĩ ngay?
Nếu gặp các dấu hiệu sau đây, người bệnh đau thắt lưng nên thăm khám càng sớm càng tốt để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, ngăn chặn các biến chứng nguy hiểm:
- Đau vùng thắt lưng dưới sau khi té ngã hoặc cơn đau đã từng xuất hiện trước đây.
- Từ 2-3 ngày mà triệu chứng đau không cải thiện, thậm chí còn tiến triển nặng hơn: đau lan xuống chân, đau rõ rệt khi ho hay hắt hơi.
- Nóng rát khi đi tiểu hoặc có máu trong nước tiểu.
- Cơn đau khiến bạn thức giấc vào ban đêm.
- Xuất hiện cảm giác tê bì vùng bẹn, đùi, chân.
- Cảm thấy yếu chân, dễ té ngã, khó khăn khi đi lại.
- Sốt không rõ nguyên nhân kèm theo đau lưng.

Các cách điều trị khi bị đau nhức vùng cột sống lưng
Dưới đây là những cách chữa trị đau vùng thắt lưng dưới mà bạn có thể tham khảo:
Chăm sóc vùng lưng tại nhà hiệu quả
Khi bị đau thắt lưng, bạn cần làm gì? Trước hết hãy chăm sóc và theo dõi tại nhà.
- Dừng các hoạt động thể chất lại dùng đá để chườm vào vùng thắt lưng (nên dùng đá trong 48-72 giờ đầu tiên, sau đó chuyển qua dùng nhiệt).
- Nằm nghiêng với đầu gối co lên, kẹp gối giữa hai chân. Tuy nhiên nếu có thể nằm ngửa thoải mái thì bạn đặt gối hoặc khăn cuộn dưới đùi để giảm áp.
- Chườm nóng hoặc tắm nước ấm và massage thường xuyên để thư giãn các cơ ở lưng bị căng cứng.
- Tập luyện các bài tập thể dục chữa đau lưng theo đúng hướng dẫn của bác sĩ
Dùng thuốc để điều trị bệnh đau thắt lưng
Bác sĩ sẽ kê với liều lượng thích hợp dựa trên triệu chứng, thuốc chống viêm để giảm đau hoặc tiêm corticosteroid.
Nhìn chung, có thể làm giảm đau tạm thời và bệnh vẫn có thể tái phát. Đặc biệt, sử dụng thuốc giảm đau nếu không có sự giám sát của bác sĩ có những tác dụng phụ nghiêm trọng.